Theo dự thảo, tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Công Thương theo lĩnh vực hoạt động như sau: Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực kiểm định công nghiệp, tư vấn và hỗ trợ an toàn công nghiệp; đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực hóa chất và quản lý hóa chất; đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững; đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sử dụng và tiết kiệm năng lượng hiệu quả;
Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực hỗ trợ điện lực và phát triển thị trường điện; đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực quản lý dự án năng lượng và năng lượng tái tạo; đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển công nghiệp; đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực quản lý cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;
Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực phòng vệ thương mại; đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực xúc tiến thương mại; đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh tế số; đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực khuyến công; đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực công thương khác.
Về điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Công Thương, dự thảo quy định: Việc thành lập đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong ngành công thương phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Công Thương bị sáp nhập khi không đáp ứng được một trong các điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Công Thương nhận sáp nhập có khả năng tiếp nhận toàn bộ nhân lực, tài chính và hoạt động của đơn vị bị sáp nhập; có phương án tiếp tục triển khai hoạt động, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sáp nhập.
Đơn vị sự nghiệp công lập hình thành sau khi nhận sáp nhập có điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, hoặc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng quy định về số lượng người làm việc tối thiểu và các quy định khác.
Đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sáp nhập, hợp nhất phải đảm bảo không làm giảm mức độ tự chủ về tài chính hiện có của đơn vị; trường hợp thực hiện sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính ở các mức độ khác nhau thì mức độ tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sáp nhập, hợp nhất sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Nguồn: baochinhphu.vn