Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm giải quyết vấn đề nhà ở và ban hành nhiều chính sách nhằm nâng cao đời sống, hỗ trợ các hộ nghèo có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xoá đói, giảm nghèo bền vững của các hộ dân nghèo có khó khăn về nhà ở.
Bộ Xây dựng cho biết, trong giai đoạn 2008 - 2020, các hộ gia đình nghèo có khó khăn về nhà ở đã được nhà nước hỗ trợ theo các Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015, với tổng số nhà hỗ trợ khoảng 650.000 căn.
Tuy nhiện hiện nay, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Quyết định số 576/QĐ-LĐTBXH ngày 18/5/2021, có khoảng 230.000 hộ nghèo cần hỗ trợ về nhà ở.
Để góp phần giải quyết nhu cầu hỗ trợ nhà ở khu vực nông thôn còn rất lớn hiện nay, trong giai đoạn 2021 - 2025, hiện có 02 Chương trình mục tiêu quốc gia có nội dung hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khó khăn là: Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, phạm vi triển khai thực hiện của 02 Chương trình mục tiêu này không bao phủ khắp cả nước mà chỉ thực hiện hỗ trợ đối với hộ nghèo ở vùng dân tộc, vùng miền núi và tại các huyện nghèo.
Ngoài ra, trên cơ sở tổng hợp các văn bản báo cáo tổng kết của các địa phương cũng như tại các cuộc họp Quốc hội, cử tri, Bộ Xây dựng đã nhận được nhiều kiến nghị liên quan đến tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với các hộ nghèo khu vực nông thôn (45 địa phương và 05 Đoàn đại biểu Quốc hội gửi về Bộ Xây dựng đề nghị tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn tiếp theo).
Do vậy, việc nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách mới cho Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà giai đoạn 2021 - 2025 là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu và cải thiện chất lượng nhà ở ngày một tốt hơn cho các tầng lớp dân cư trong xã hội đồng thời nâng cao mức sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện phát triển nguồn lực con người và giảm tỷ lệ hộ nghèo về nhà ở theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "không ai bị bỏ lại phía sau".
* Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của Nhân dân với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”.
Chiến lược tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon, đóng góp vào hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu theo 04 mục tiêu chính là: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Để cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tăng trưởng xanh, làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 tập trung xác định các hoạt động cụ thể, thời gian thực hiện, phân công trách nhiệm và nguồn lực huy động tương ứng.
Chiến lược tăng trưởng xanh phê duyệt ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính và hành động khí hậu thông qua hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh.
Dự thảo Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, phân tích đầy đủ bối cảnh mới, cập nhật, hệ thống quy hoạch, chiến lược, kế hoạch hiện hành, phản ánh toàn diện và tích hợp các nội dung chính sách đã có nhằm tạo sự đồng bộ, tương thích, bổ trợ, khả thi trong triển khai thực hiện giải pháp trên quy mô toàn nền kinh tế và các ngành. Theo đó, Kế hoạch hành động đưa ra được bức tranh tổng thể về nguồn lực, qua đó tạo cơ sở để huy động hiệu quả nguồn lực nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hài hòa với môi trường, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu.
Dự thảo Quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 bao gồm 19 chủ đề, 70 nhóm nhiệm vụ, hoạt động, 224 nhiệm vụ, hoạt động.
Về tổ chức thực hiện, theo dự thảo, Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Trưởng Ban và các thành viên là đại diện các Bộ, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch hành động theo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo được ban hành cùng Kế hoạch hành động.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối về tăng trưởng xanh, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh; hướng dẫn, giám sát, đánh giá, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xác định và phân bổ nguồn tài chính trong nước và điều phối các nguồn tài trợ của nước ngoài, cơ chế chính sách thúc đẩy thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chịu trách nhiệm chủ trì và phối hợp thực hiện các hoạt động.
* Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của Nhân dân với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh gồm 146 chỉ tiêu; cấp huyện gồm 46 chỉ tiêu và cấp xã gồm 24 chỉ tiêu.
Nội dung mỗi chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã gồm khái niệm, phương pháp tính, phân tổ chủ yếu, kỳ công bố, nguồn số liệu của chỉ tiêu thống kê và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp.
Về tổ chức thực hiện, dự thảo đề xuất giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện các hình thức thu thập thông tin về các chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Xây dựng kho dữ liệu thống kê tập trung thống nhất, đồng bộ về thông tin thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; xây dựng hệ thống báo cáo điện tử thống nhất từ Trung ương đến địa phương, từ Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện đến Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó tập trung báo cáo các chỉ tiêu có tần suất nhanh (tháng, quý).
Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành điều tra bổ sung để có thể tính toán đầy đủ các chỉ tiêu thống kê thuộc danh mục chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện nhằm phục vụ đầy đủ, kịp thời nhu cầu quản lý, điều hành của các cấp địa phương.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình căn cứ vào hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện đảm bảo việc thống nhất với hệ thống chỉ tiêu thống kê Bộ, ngành.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm: Thu thập, tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phục vụ quản lý điều hành trên địa bàn. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) xây dựng hệ thống báo cáo điện tử từ Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện đến Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng thời, bố trí kinh phí thực hiện điều tra bổ sung để có thể tính toán đầy đủ các chỉ tiêu thống kê thuộc danh mục chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện nhằm phục vụ đầy đủ, kịp thời nhu cầu quản lý, điều hành của các cấp địa phương.
* Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến góp ý của Nhân dân với dự thảo Thông tư hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.
Dự thảo Thông tư quy định rõ về nhận và sử dụng tiền trả thưởng bằng ngoại tệ. Theo đó, người chơi được nhận tiền trả thưởng bằng ngoại tệ tiền mặt và chuyển khoản. Trường hợp nhận trả thưởng bằng ngoại tệ tiền mặt, người chơi được bán cho ngân hàng được phép lấy đồng Việt Nam, nộp vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của người chơi, mang, chuyển ra nước ngoài qua ngân hàng được phép. Trường hợp người chơi nhận tiền trả thưởng bằng ngoại tệ chuyển khoản: số ngoại tệ trả thưởng được chuyển từ tài khoản chuyên dùng ngoại tệ của doanh nghiệp sang tài khoản của người chơi.
Doanh nghiệp thực hiện đổi đồng Việt Nam hoặc các loại ngoại tệ sang đồng tiền quy ước và ngược lại cho người chơi. Tỷ giá chuyển đổi căn cứ theo tỷ giá niêm yết của ngân hàng được phép nơi doanh nghiệp mở tài khoản chuyên dùng ngoại tệ.
Dự thảo quy định phạm vi thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác đối với doanh nghiệp bao gồm: Thu ngoại tệ tiền mặt từ việc bán đồng tiền quy ước, từ máy trò chơi điện tử có thưởng có chức năng thu ngoại tệ tiền mặt trực tiếp; thu ngoại tệ chuyển khoản từ tài khoản của người chơi; chi ngoại tệ tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản của người chơi để trả thưởng cho người chơi trúng thưởng hoặc chi trả lại trong trường hợp không chơi hết đồng tiền quy ước; các hoạt động ngoại hối khác bao gồm mở và sử dụng tài khoản chuyên dùng ngoại tệ; tồn quỹ ngoại tệ tiền mặt; xác nhận số tiền trúng thưởng của người chơi.
Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép phải mở 01 tài khoản chuyên dùng cho từng loại ngoại tệ tại 01 ngân hàng được phép để tạo điều kiện cho công tác giám sát, quản lý cũng như hạn chế các trường hợp lợi dụng chuyển tiền bất hợp pháp. Đồng thời, dự thảo quy định cụ thể nội dung thu, chi trên tài khoản này.
Về tồn quỹ ngoại tệ tiền mặt, dự thảo nêu rõ, mức tồn quỹ ngoại tệ tiền mặt căn cứ vào tình hình hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng, doanh nghiệp xác định mức tồn quỹ ngoại tệ tiền hàng ngày trên cơ sở tính toán số ngoại tệ tiền mặt cần thiết để đáp ứng nhu cầu chi trả thưởng và nhu cầu chi trả lại ngoại tệ tiền mặt cho người chơi trong trường hợp không chơi hết đồng tiền quy ước.
Đối với số ngoại tệ tiền mặt vượt mức tồn quỹ, để đảm bảo an toàn và tập trung ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng, đồng thời để tránh lợi dụng rửa tiền, dự thảo Thông tư quy định doanh nghiệp phải nộp số ngoại tệ tiền mặt vượt mức tồn quỹ vào tài khoản chuyên dùng ngoại tệ của doanh nghiệp mở tại ngân hàng được phép vào ngày làm việc tiếp theo.
Nguồn: baochinhphu.vn