Tin Video

Phóng sự: Đô thị thông minh

Thống kê truy cập

Lượt truy cập : 22.258.392

Khách Online : 46

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ: TRẢ LỜI CHẤT VẤN CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

10:55 17/11/2020 | Lượt xem : 1063

  • Xem với cỡ chữ T T
  • Inverts
  • Lượt xem : 1063
* “Chưa đặt vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh”
Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chưa đặt vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định điều này khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong phiên làm việc trên Hội trường sáng ngày 09/11.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP.
Trong vòng 8 tháng, đã tổ chức triển khai thực hiện xây dựng đề án và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội  thông qua đối với 43/45 tỉnh thành. Hiện còn tỉnh Kiên Giang và thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua trong tháng này.
“Đến giờ này cơ bản thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14. Bộ Nội vụ sẽ tham mưu cho Chính phủ tổng kết và xem xét trong thời gian sắp tới chúng ta có tiếp tục thực hiện sắp xếp hay không” - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.
 Người đứng đầu ngành Nội vụ cũng nhấn mạnh, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 chỉ quy định sắp xếp đối với những đơn vị hành chính của cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn (quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/ 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính).
“Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chưa đặt vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh” - ông Lê Vĩnh Tân khẳng định.
Đề cập khó khăn, vướng mắc mà các địa phương gặp phải thời gian qua trong quá trình sắp xếp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, đó chính là thực hiện chế độ chính sách. Ban đầu các địa phương nghĩ rằng, thuận lợi nên hầu hết các phương án đều chủ quan đề nghị sắp xếp cán bộ, công chức đến 31/12/2022 thì kết thúc, trong khi Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 cho phép là không quá 5 năm. Do đó, ông đề nghị cần cho phép thực hiện theo Nghị quyết 653 chứ không thực hiện theo quyết định của địa phương.
Bộ Nội vụ đã có Công văn số 26/CV-BNV hướng dẫn việc sắp xếp và giải quyết chế độ chính sách đối với những người dôi dư. Thứ nhất, thực hiện giải quyết theo Nghị định số 26/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp không tái cử. Thứ hai, tinh giản biên chế, thực hiện chế độ thôi việc một lần theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức và có thể xem xét chuyển công thức xã thành công chức huyện và điều chuyển từ nơi thừa cho nơi thiếu.
Về cơ sở vật chất, các địa phương đều có phương án sử dụng lại một trong các trụ sở ở đơn vị sáp nhập. Tuy nhiên, theo ông Lê Vĩnh Tân cần xác định trung tâm đơn vị mới ở đâu và nghiên cứu địa điểm có điều kiện thuận lợi nhất để phục vụ người dân.
* Sẽ xử lý nghiêm công chức vi phạm đạo đức công vụ
Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các đại biểu Quốc hội nếu phát hiện cán bộ công chức ngành Nội vụ vi phạm đạo đức công vụ hay gây khó khăn hãy cung cấp thông tin cho Bộ trưởng để xử lý nghiêm.
Đặt vấn đề về chính sách với cán bộ công chức, viên chức, chính sách với cán bộ là công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Chính phủ không ban hành Nghị định riêng mà lồng ghép vào các nghị định tuyển dụng, sử dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, người dân tộc thiểu số là đối tượng được cử tuyển đi học đại học, sau khi tốt nghiệp về địa phương thì được xét tuyển chứ không qua thi. Chính phủ cũng quy định số lượng công chức, viên chức là dân tộc có cơ cấu nhất định trong bộ máy và, người dân tộc khi tuyển dụng được miễn ngoại ngữ và tin học…
Trả lời đại biểu Nguyễn Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) về chế độ bồi dưỡng với người hoạt động không chuyên trách, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân xin ghi nhận ý kiến này và cam kết Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu có chương trình bồi dưỡng cho những người hoạt động không chuyên trách.
Trước chất vấn của đại biểu Kim Nhung (tỉnh Quảng Trị), ông Lê Vĩnh Tân cho biết, Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ đã ban hành Nghị quyết số 280-NQ/BCSĐ giải quyết các vấn đề về trật tự, kỷ luật kỷ cương hành chính trong cơ quan đơn vị và chính trị nội bộ.
Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã rà soát tất cả đơn vị trực thuộc Bộ, xem xét xử lý công khai, tiến hành kỷ luật một số cán bộ vi phạm, điều chuyển một số vị trí không phù hợp, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết. Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, năm 2017 Bộ Nội vụ kiểm điểm 8 đơn vị có liên quan. Khi kiểm tra các địa phương, Bội Nội vụ xác định là đơn vị tiên phong, gương mẫu làm trước.
Vấn đề tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ phải thực hiện bằng hoặc tốt hơn đơn vị khác. Vừa rồi Bộ Nội vụ đăng ký tinh giản 12% biên chế đến 2021. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các đại biểu Quốc hội nếu phát hiện cán bộ công chức ngành nội vụ vi phạm đạo đức công vụ hay gây khó khăn hãy cung cấp thông tin cho Bộ trưởng để xử lý nghiêm.
* Sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học
Tại phiên chất vấn của Quốc hội vào ngày 09/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời hàng loạt câu hỏi của Đại biểu Quốc hội về đơn giản hóa văn bằng, chứng chỉ; sắp xếp bộ máy; tinh giản biên chế.
Về đơn giản hóa văn bằng chứng chỉ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, trong quá trình triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, các nghị định của Chính phủ cũng tập trung xem xét giảm bớt các thủ tục trong việc tuyển dụng, quản lý, thi nâng ngạch, thăng hạng viên chức, kể cả quá trình bổ nhiệm cán bộ.
Cụ thể, lần này nghị định Chính phủ quy định, đối với những trường hợp khi tốt nghiệp các bằng chuyên môn đã chuẩn về đầu ra ngoại ngữ, tin học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ví dụ như ngoại ngữ thuộc trình độ bậc 3 thì không cần phải yêu cầu có chứng chỉ ngoại ngữ, nếu trường đại học đã đào tạo chuẩn rồi cũng không cần. 
Tương ứng như thế, trong vấn đề tuyển sinh đại học và thi nâng ngạch, nếu những đối tượng được miễn thi tin học, ngoại ngữ thì không cần phải nộp văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ.
Để thực hiện vấn đề này, trong nghị định cũng giao cho các Bộ quản lý chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức sẽ ban hành thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn của ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp của viên chức, trong đó có quy định về trình độ về tin học và ngoại ngữ theo từng vị trí việc làm.
Có những vị trí không cần phải có trình độ thì không cần phải quy định, những vị trí cần có trình độ ngoại ngữ ở cấp bậc cao hơn thì quy định trong từng vị trí việc làm.
Để tiến tới bỏ các quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí về chuyển ngạch của công chức và hạng viên chức.
Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mà chỉ quy định về năng lực sử dụng ngoại ngữ và tin học, thể hiện trong các kỳ thi kiểm tra trên máy vi tính và không yêu cầu phải cung cấp văn bằng, chứng chỉ.
Trong thời gian qua, Bộ Nội vụ cũng đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các thông tư sửa đổi về chuẩn của chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non và phổ thông công lập, theo đó cũng không quy định chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tiêu chuẩn đào tạo và bồi dưỡng.
Về công tác bổ nhiệm cán bộ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, trước đây khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải có 7 văn bằng, chứng chỉ thì bây giờ tập trung chủ yếu vào trình độ về chuyên môn, lý luận về chính trị, trình độ quản lý Nhà nước.
“Đây là 3 chứng chỉ cơ bản khi đề bạt, bổ nhiệm, còn những văn bằng, chứng chỉ khác chỉ phục vụ trong quá trình đào tạo tiếp theo”, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh…

Nguồn: vov.vn/vietnamnet.vn