Từ những năm đầu của thập niên 90 đến nay, công cuộc cải cách hành chính ở nước ta đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ tích cực của cộng đồng các nhà tài trợ thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật, trong đó Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc UNDP đóng vai trò làm đầu mối phối hợp. Từ Dự án Hỗ trợ kỹ thuật đầu tiên do UNDP tài trợ mang mã số VIE 92/002 được thực hiện từ 1994-1997, chúng ta đã tiếp nhận hàng chục dự án thí điểm cải cách hành chính ở các Bộ, ngành và địa phương. Đến nay số các dự án hỗ trợ kỹ thuật về cải cách hành chính hoặc có thành tố về cải cách hành chính đã lên tới trên 30 dự án với quy mô khác nhau trong cả nước.
Những nội dung và vấn đề chủ yếu mà các dự án cải cách hành chính có hỗ trợ nước ngoài đề cập, cụ thể là:
1- Nâng cao năng lực chung cho đội ngũ cán bộ,công chức, bao gồm việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, cập nhật thông tin trong các lĩnh vực quản lý hành chính, tài chính, chính sách công, tin học, ngoại ngữ v.v...;
2- Nghiên cứu đề xuất chính sách trong một số khía cạnh của cải cách hành chính như: quản lý biên chế, tiền lương, phân cấp giữa Trung ương và chính quyền địa phương, cải tiến quy trình làm việc, quản lý và phát triển nguồn nhân lực v.v...;
3- Cải tiến việc cung cấp các dịch vụ công như: cải tiến thủ tục và quy trình cấp một số loại giấy phép, xã hội hoá một số loại dịch vụ công, thực hiện mô hình “một cửa” tại cấp huyện v.v...;
4- Xây dựng hệ thống thông tin quản lý với việc ứng dụng công nghệ thông tin, ISO trong bộ máy hành chính
Những thành quả mà công cuộc đổi mới đạt được trong những năm qua đã làm thay đổi diện mạo và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, trong đó cải cách hành chính đã có những tác động tích cực như một yếu tố quan trọng quyết định thành công của công cuộc đổi mới. Trước thực tế đó, cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế càng khẳng định sự cam kết lâu dài trong việc tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ công cuộc cải cách hành chính ở Việt Nam và ngày càng có thêm nhiều nhà tài trợ quan tâm và hỗ trợ chính phủ Việt Nam thực hiện thành công Chương trình tổng thể cải cách hành chính.
Sau đây là một số dữ liệu cơ bản về sự hỗ trợ của các nhà tài trợ cho công cuộc cải cách hành chính ở Việt Nam, cụ thể là:
UNDP sau khi thực hiện thành công dự án hỗ trợ kỹ thuật đầu tiên cho cải cách hành chính ở Việt Nam- Dự án VIE 92/002 tạo ra tiền đề góp phần đẩy mạnh quá trình cải cách hành chính sau này, đã tiếp tục vận động các nhà tài trợ quan tâm và hỗ trợ ngày càng tích cực cho cải cách hành chính của Chính phủ Việt Nam. Bằng nguồn lực của mình, UNDP đã hỗ trợ Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ 1 dự án và thành phố Hồ Chí Minh 1 dự án bao gồm hai giai đoạn. Ngoài ra, UNDP còn cùng với các nhà tài trợ khác đồng tài trợ các dự án thí điểm cải cách hành chính ở Quảng Bình, Hải Phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2 giai đoạn), Văn phòng Quốc hội, Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Đặc biệt, UNDP cùng 5 nhà tài trợ là Thuỵ sĩ, Thuỵ điển, Nauy, Hà lan và Canada đang hỗ trợ 1 dự án với mục tiêu là điều phối tốt hơn quá trình thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010.
Hà Lan là nhà tài trợ tiếp theo quan tâm hỗ trợ cho cải cách hành chính từ rất sớm, cùng với UNDP hỗ trợ dự án cải cách hành chính tỉnh Quảng Bình. Hà Lan cũng góp phần tạo tiền đề cho những hỗ trợ tiếp theo của các nhà tài trợ khác thông qua việc tài trợ xây dựng các dự án khả thi ở 2 bộ và 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng giá trị 800.000 USD. Hà Lan là nhà đồng tài trợ cùng UNDP cho dự án cải cách hành chính tại thành phố Hải Phòng và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
Ngân hàng phát triển Châu Á – ADB đã thể hiện mối quan tâm tới cải cách hành chính từ năm 1997 thông qua việc hỗ trợ Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ ( nay là Bộ Nội vụ) thực hiện hai giai đoạn của Dự án Tăng cường năng lực Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ về xây dựng, phối hợp, theo dõi và đánh giá một cách có hiệu quả các chương trình, dự án và sáng kiến cải cách hành chính ở Việt Nam. ADB còn hỗ trợ Học viện Hành chính Quốc gia 1 dự án nâng cao chất lượng chương trình giảng dạy và 1 dự án (2 giai đoạn) cho Văn phòng Chính phủ. Đặc biệt, từ năm 2003, ADB đã cam kết thực hiện Chương trình vốn vay hỗ trợ Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước. Đây là một chương trình rất có ý nghĩa góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực.
Đan Mạch (DANIDA) là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho cải cách hành chính, mở đầu bằng dự án thí điểm cải cách hành chính tại tỉnh Đắc Lắc, hiện đang thực hiện giai đoạn 2. Các mục tiêu hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch đa dạng về nội dung và dành cho cả cấp trung ương và địa phương với các dự án như: Hỗ trợ nâng cao năng lực của Văn phòng Chính phủ; Hỗ trợ Học viện Hành chính Quốc gia phát triển tài liệu giảng dạy theo phương pháp hiện đại và đào tạo các giảng viên của Học viện; Hỗ trợ Văn phòng Quốc hội, Toà án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; thực hiện Chương trình hỗ trợ ngành Thuỷ sản Việt Nam trong đó có Dự án Hợp phần STOFA hỗ trợ cải cách hành chính.
Thuỵ Điển (SIDA) cũng là một trong những nhà tài trợ lớn hỗ trợ tích cực cho cải cách hành chính thông qua 2 giai đoạn của dự án Tăng cường quản lý nhân sự trong công vụ tại Bộ Nội vụ và dự án cải cách hành chính tỉnh Quảng Trị. Hiện tại, SIDA Thuỵ Điển đang phối hợp cùng Bộ Nội vụ xây dựng dự án mới hỗ trợ thực hiện Chương trình hành động 4 trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.
Na Uy (NORAD) đã hỗ trợ tiến trình cải cách hành chính từ năm 1998 ở cả cấp trung ương và địa phương. Đối với cấp trung ương, NORAD Nauy đã hỗ trợ Dự án tăng cường năng lực cho BanTổ chức-Cán bộ Chính phủ về quản lý chính quyền địa phương. Ở cấp địa phương, NORAD đã hỗ trợ tỉnh Ninh Bình Dự án cải tiến các quy trình, thủ tục hành chính ở cấp tỉnh, huyện, xã. Hiện nay, NORAD đang cùng tỉnh Ninh Bình chỉnh sửa, thẩm định văn kiện dự án giai đoạn 2 để có thể ký kết Hiệp định vào đầu năm 2005.
Thuỵ Sỹ (SDC) là một trong những nhà tài trợ cam kết mạnh mẽ và lâu dài trong việc hỗ trợ tiến trình cải cách hành chính tại Việt Nam. Từ năm 1997, SDC đã hỗ trợ thị xã Đồng Hới và thị xã Nam Định hai dự án Phát triển đô thị, trong đó có thành tố về cải cách hành chính. Cho đến nay, hai dự án này đang thực hiện giai đoạn 3 (đến tháng 6/2006) và thành tố về cải cách hành chính ngày càng được phát triển, mở rộng. Tại cấp trung ương, SDC đã hỗ trợ Học viện Hành chính Quốc gia (Bộ Nội vụ) Dự án hiện đại hoá và thay đổi chương trình giảng dạy để đáp ứng nhu cầu của cải cách hành chính. Ngoài ra, Tổ chức Helvetas của Thuỵ Sỹ cũng đã hỗ trợ tỉnh Cao Bằng dự án “Tăng cường năng lực chính quyền xã “ trong giai đoạn thí điểm kéo dài một năm 2003-2004.
Bỉ (BTC) sau vài năm nhiên cứu, tháng 01/2002 đã ký Hiệp định về dự án hỗ trợ chương trình cải cách hành chính tỉnh Cần Thơ, nay là thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, cả 2 địa phương đều là đơn vị thụ hưởng dự án này. BTC đang chuẩn bị một dự án mới giúp tỉnh Hậu Giang sau khi kết thúc dự án này.
Phần Lan đang hỗ trợ tỉnh Quảng Trị dự án “Hỗ trợ thực hiện Quy chế dân chủ” từ tháng 7/2002, và gần đây nhất, vào tháng 4/2004, đã cam kết hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế một hợp phần về cải cách hành chính trong “Chương trình phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế”.
Cộng hoà Liên bang Đức (GTZ) cũng đã tài trợ 3 dự án hỗ trợ cải cách hành chính tại Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 3 giai đoạn dự án Kiểm toán Nhà nước. Viện KAS hỗ trợ một số chương trình trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu, đề án đào tạo.
Canada (CIDA) quan tâm hỗ trợ cải cách hành chính thông qua nhiều chương trình đào tạo, trao đổi kinh nghiệm từ những năm 1990. Hiện Canada là một trong những nhà đồng tài trợ của Dự án VIE 01/024B Hỗ trợ thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010.
Australia và Anh đã hỗ trợ 2 dự án với mục tiêu cung cấp chương trình đào tạo tiếng Anh ngắn hạn cho cán bộ trung cao cấp của các bộ ngành trung ương, và của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các nhà tài trợ này cũng tích cực tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính và quản lý đội ngũ công chức.
Những nhà tài trợ có tham gia hỗ trợ cho cải cách hành chính nữa phải kể đến chính phủ các nước Nhật bản, Pháp, Niu Di lân, Luých-xăm-bua, Singapo... dưới các hình thức các chương trình trao đổi, cung cấp thông tin thông qua các hội thảo, hội nghị quốc tế hay các khoá đào tạo cán bộ, công chức và các chuyến nghiên cứu khảo sát trong và ngoài nước...
Tuy quy mô của tổng giá trị viện trợ cho cải cách hành chính còn ở mức rất khiêm tốn, chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong toàn bộ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức thời gian qua, song cũng đã thể hiện sự cam kết và hỗ trợ tích cực của cộng đồng tài trợ đối với lĩnh vực này. Sự hỗ trợ quốc tế quý báu là thiết thực, kịp thời và mang lại hiệu quả và tác động tốt, góp phần vào việc thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính ở Việt Nam.