Tin Video

Phóng sự: Đô thị thông minh

Thống kê truy cập

Lượt truy cập : 22.007.723

Khách Online : 33

Vài nét về cải cách hành chính và đổi mới khu vực công của Nhật Bản

09:41 28/09/2016 | Lượt xem : 2674

  • Xem với cỡ chữ T T
  • Inverts
  • Lượt xem : 2674

1. Về Nhà nước Nhật Bản:

Cấu trúc Nhà nước Trung ương Nhật Bản gồm Cơ quan lập pháp - Nghị viện hoặc Quốc hội (Diet hay Parliament), Cơ quan hành pháp - Nội các (Cabinet) và Cơ quan tư pháp - Tòa án (Court).

Nghị viện là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan duy nhất thực hiện quyền lập pháp. Nghị viện gồm Hạ viện và Thượng viện. Hạ viện (House of Representatives) gồm 475 thành viên (trước đây là 480; từ năm 2014 là 475 thành viên), nhiệm kỳ 4 năm (do dân bầu trực tiếp); trong đó, 295 ghế được bầu theo hình thức đa số, ai có số phiếu cao hơn thì trúng cử, 180 ghế bầu theo hình thức đại diện (phân bổ cho 11 khu vực). Sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 12/2014, hiện Liên minh cầm quyền chiếm 2/3 số ghế. Thượng viện (House of Councilors) gồm 242 thành viên, nhiệm kỳ 6 năm, do dân bầu trực tiếp, cứ 3 năm bầu lại một nửa số thành viên. Tính đến ngày 31/7/2015, 11 đảng và các nhóm chính trị có ghế trong Thượng viện. Sau cuộc bầu cử tháng 7/2013, Liên minh cầm quyền chiếm đa số ghế trong Thượng viện. Như vậy, Thủ tướng đương nhiệm có nền tảng ủng hộ chính trị vững chắc ở cả hai Viện.

Nghị viện chỉ định Thủ tướng trong số các thành viên của Nghị viện. Đa số các bộ trưởng sẽ được Thủ tướng bổ nhiệm trong số các thành viên của Nghị viện. Nội các sẽ chịu trách nhiệm tập thể trước Nghị viện trong việc thực hiện quyền hành pháp. Nội các chuẩn bị ngân sách và trình Nghị viện. Thủ tướng – đại diện cho Nội các trình Nghị viện các dự luật, các báo cáo về các vấn đề quốc gia và các mối quan hệ đối ngoại.

Nếu Hạ viện thông qua Nghị quyết không đáng tin cậy hoặc bác bỏ Nghị quyết đáng tin cậy thì Nội các sẽ đồng loạt từ chức, trừ phi Hạ viện bị giải thể trong vòng 10 ngày (Thủ tướng có thể giải tán Hạ viện). Ngoài các trường hợp chỉ định của Thủ tướng và Nghị quyết không đáng tin cậy trái với Nội các, Hạ viện được ưu tiên hơn Thượng viện trong việc xem xét các dự luật, ngân sách và hiệp ước. Một dự luật trở thành luật phải được cả hai Viện thông qua. Nếu một dự luật được Hạ viện thông qua và Thượng viện quyết định khác với Hạ viện, dự luật trở thành luật khi được thông qua lần 2 tại Hạ viện theo đa số (được 2/3 các thành viên có mặt trở lên bỏ phiếu thuận). Việc không thực hiện hành động cuối cùng (nghĩa là trường hợp không có phản ứng gì đối với dự luật) trong vòng 60 ngày của Thượng viện sau khi nhận được dự luật, Hạ viện có thể quyết định bác bỏ dự luật trên. Về ngân sách, đầu tiên phải trình Hạ viện. Khi Thượng viện có quyết định khác với Hạ viện và nếu không đạt được thỏa thuận nào hoặc Thượng viện không thực hiện hành động cuối cùng trong 30 ngày kể từ khi nhận được ngân sách từ Hạ viện (không tính thời gian kỳ nghỉ), quyết định của Hạ viện sẽ là quyết định của Nghị viện. Quy tắc này cũng được áp dụng trong việc phê chuẩn các Hiệp ước.

Cơ quan tư pháp gồm: Tòa án tối cao (Supreme Court), 8 Tòa án cấp cao (High Court), 50 Tòa án quận (District Court), 50 Tòa án gia đình (Family Court), và 438 Tòa án sơ thẩm (Summary Court) giải quyết các vụ việc nhỏ, đơn giản, thủ tục nhanh gọn. Nhật Bản không có Tòa án Hiến pháp. Đối với các vụ kiện liên quan đến vi hiến, được giải quyết theo vụ việc cụ thể. Đầu tiên, có thể khởi kiện tại Tòa án địa phương, nếu không thuyết phục, có thể kiện lên Tòa án cấp cao. Tòa án tối cao sẽ kết luận vụ việc có vi hiến hay không.

Nội các gồm Thủ tướng và 17 Bộ trưởng (tuy nhiên, Nội các hiện nay có 17 Bộ trưởng phụ trách 17 bộ và Bộ trưởng Cơ quan tái thiết và Bộ trưởng Thế vận hội Olympic Tokyo 2020). Ban Thư ký Nội các gồm bộ phận nhân sự của Thủ tướng (Trợ lý, Thư ký, …), Chánh Văn phòng Nội các, 3 Phó Chánh Văn phòng Nội các (thường phân công theo dõi mảng Thượng viện, Hạ viện và khối hành chính), các trợ lý Chánh Văn phòng Nội các, các ủy viên Hội đồng Nội các và các quan chức khác. Nhật Bản không quy định chức danh Phó Thủ tướng. (Hiện nay, Thủ tướng chỉ định Bộ trưởng Tài chính giữ chức danh Phó Thủ tướng – đây là chức danh do Thủ tướng xây dựng nên. Vị trí quan trọng thứ hai sau Thủ tướng thường là Chánh Văn phòng Nội các).

Cơ quan công tố nằm trong Bộ Tư pháp. Cơ quan nhân sự quốc gia có vị trí độc lập với các Bộ. Bên cạnh đó, có một số tổ chức trực thuộc Chính phủ như các Công ty quốc doanh phụ trách bưu điện, một số tuyến đường sắt, đường cao tốc, ngân hàng, phát thanh; một số viện nghiên cứu, doanh nghiệp nhà nước tách khỏi Bộ, hoạt động như tổ chức hành chính độc lập. Cơ cấu tổ chức một Bộ thường bao gồm: Bộ trưởng, các Thứ trưởng (Senior Vice Ministers) và Trợ lý Bộ trưởng (Parliamentary Secretary) – là những chính khách, giúp Bộ trưởng một số mảng việc. Có một Thứ trưởng hành chính hay còn gọi là Thứ trưởng công chức (Administrative Vice Minister) và một số công chức hàm Thứ trưởng. Bên dưới là Ban thư ký Bộ trưởng và các vụ, cục, tổng cục thuộc Bộ. Ngoài ra, còn có một số tổ chức trực thuộc Bộ như các Học viện, Hội đồng, Văn phòng đại diện của Bộ ở địa phương. Trong từng Bộ, chỉ Bộ trưởng có thẩm quyền quyết định về công tác nhân sự (tuyển dụng, bổ nhiệm). Số lượng Thứ trưởng, vụ trưởng được quy định cụ thể cho từng Bộ.

Chính quyền địa phương Nhật Bản có vai trò tự quản cao, có quyền ban hành luật và quyết định về cơ cấu tổ chức hành chính trong luật của địa phương mình. Có hai loại hình: (1) Chính quyền địa phương thông thường (Ordinary Local Government) gồm 47 đơn vị ở cấp tỉnh (Prefecture) và 1.718 ở cấp thành phố, quận. Chính quyền địa phương đặc biệt (Special Local Government) gồm các phường, quận đặc biệt ở Tokyo và các liên hiệp thành phố (Municipal Cooperatives). Người đứng đầu cơ quan chấp hành ở tỉnh là Thống đốc (Governor), ở thành phố là thị trưởng (Mayor). Hội đồng địa phương (Local Assembly) có ở cấp tỉnh và cấp thành phố, đều có nhiệm kỳ 4 năm và được quyền ban hành luật. Số lượng thành viên Hội đồng được quy định theo luật của từng địa phương. Theo xu hướng sáp nhập các thành phố hiện nay, số lượng các thành viên hội đồng đang giảm đi. Tại các địa phương, có hệ thống để các cử tri thể hiện ý kiến bãi nhiệm người thủ trưởng hành chính của cơ quan chấp hành hoặc giải thể Hội đồng địa phương hoặc bãi miễn thành viên Hội đồng. Hội đồng có thể thông qua Nghị quyết không đáng tin cậy chống lại thủ trưởng hành chính với 2/3 số thành viên Hội đồng trở lên hoặc 3/4 số thành viên có mặt tại thời điểm bầu nhất trí. Nếu một Nghị quyết không đáng tin cậy được thông qua, đến lượt mình, thủ trưởng hành chính có thể giải thể Hội đồng.

Về mối quan hệ với Chính phủ Trung ương, chính quyền địa phương Nhật bản có vị trí hợp tác, không phải cấp trên cấp dưới. Trong quan hệ chức năng, Chính quyền địa phương đảm trách nhiều loại việc, trừ lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng là do Trung ương nắm. Họ có quyền quản lý tài sản, phòng cháy chữa cháy và các công việc tự quản địa phương. Chính phủ Trung ương vận hành nền hành chính với sự tham gia, phối hợp của chính quyền địa phương - đó là những công việc thực thi luật, thực hiện chính sách. Ví dụ như, xây dựng cơ sở hạ tầng, sân bay, cầu cảng cần tầm nhìn toàn quốc, nhưng việc triển khai thực hiện được tiến hành ở địa phương. Các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương đều được quyết định bằng luật và phù hợp với nguyên tắc tự quản địa phương. Trong quan hệ tài chính, Chính phủ Trung ương hỗ trợ cho chính quyền địa phương dưới hình thức thuế phân bổ địa phương. Chính phủ có thể hỗ trợ các khoản (có thể hỗ trợ nửa gói) cho các mục đích, chương trình chính sách cụ thể thông qua từng Bộ. Trong quan hệ nhân sự, nhiều công chức được Chính phủ phân về Chính quyền địa phương. Họ thường được giao các vị trí quan trọng. Sau vài năm luân chuyển, hầu hết quay lại cơ quan trước đây. Một số ở lại và được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn. Chính phủ Trung ương cũng chấp nhận công chức đến từ chính quyền địa phương. Khi có bất đồng giữa Chính phủ Trung ương với chính quyền địa phương, Ủy ban giải quyết bất đồng được thành lập, bao gồm các thành viên ngoài Chính phủ để xem xét và đưa ra những khuyến nghị công bằng và trung lập. Xu hướng cải cách hiện nay là tiếp tục chuyển giao nhiều việc về địa phương, Trung ương đề ra chính sách cơ bản, đảm bảo nguồn ngân sách và địa phương thực hiện.

2. Một số kinh nghiệm cải cách và đổi mới của Nhật Bản:

* Khái quát về xu hướng và nội dung cải cách và đổi mới của các nước trên thế giớI

Trong những thập niên gần đây, cải cách khu vực công ở các quốc gia có nhiều điểm khác biệt cũng như tương đồng. Ở các nước phát triển, cải cách thường xuất phát từ những thay đổi về kinh tế-xã hội, yêu cầu thắt chặt tài chính và tham gia vào quá trình toàn cầu hóa và các sân chơi quốc tế như OECD, … Còn đối với các nước đang phát triển, đó là từ yêu cầu xây dựng đất nước, kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy nhà nước, từ các điều kiện để được các tổ chức và các nước khác hỗ trợ, và từ việc tham gia vào quá trình toàn cầu hóa hay các tổ chức quốc tế như UNDP. Nhiều nước quan tâm vận dụng các nội dung phù hợp của Quản trị tốt (Good Governance) và Trào lưu quản lý công mới (New Public Management) trong các giải pháp cải cách của mình. Phạm vi, cấp độ và tiêu đề của cải cách cũng khác nhau giữa các nước. Có cuộc cải cách diễn ra một cách sâu rộng ở tầm quốc gia hoặc liên quốc gia, có cuộc cải cách diễn ra ở bộ, ngành, địa phương hay tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể. Có cải cách (Reform) mang tên cải cách khu vực công, cải cách nhà nước (chính phủ), cải cách hành chính, cải cách quản lý công; hoặc cải cách cũng có thể là Đổi mới (Innovation), Tái sáng tạo (Reinventing), Tái thiết định (Reengineering), Hiện đại hóa (Modernization), Chuyển đổi (Transformation) hay Tăng cường năng lực (Capacity Building).

Theo quan điểm của nhiều học giả và nhà thực tiễn, khác với thay đổi tịnh tiến, từ từ, đổi mới thường đề cập đến thay đổi mang tính gián đoạn, tích cực, thích ứng với hoàn cảnh mới, gồm nhiều loại hình như: đổi mới sản phẩm: sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới; đổi mới về công nghệ: sáng tạo và sử dụng công nghệ mới; đổi mới quy trình: cải tiến chất lượng và hiệu suất quy trình công tác bên trong và bên ngoài; đổi mới tổ chức và quản lý: sáng tạo ra hình thức tổ chức mới, áp dụng phương pháp và kỹ thuật quản lý mới; đổi mới tư duy: vận dụng khái niệm, ý tưởng, hệ quy chiếu mới; đổi mới quản trị quốc gia: xây dựng các hình thức và quy trình quản trị quốc gia thích hợp để giải quyết những vấn đề xã hội cụ thể; đổi mới về thể chế: chuyển đổi mối quan hệ về thể chế giữa các tổ chức trong khu vực công (như áp dụng hệ thống bầu cử đối với một số công chức nhất định). Cải cách hành chính (CCHC) theo nghĩa hẹp tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các hệ thống, tổ chức hành chính, đổi mới công tác quản lý của nền hành chính. Gần đây, CCHC thường được sử dụng theo nghĩa rộng, không tách rời quá trình hoạch định chính sách, ra quyết định CCHC với quá trình tổ chức thực hiện chính sách, thực hiện CCHC. Các mục tiêu và nội dung cải cách không chỉ bó hẹp trong các hệ thống, tổ chức và hoạt động của nền hành chính. Tính cấp thiết và sát hợp của các nội dung chính sách cũng là chủ đề quan trọng trong CCHC. Nhìn chung, đổi mới khu vực công hay CCHC thường gồm những nội dung chủ yếu như: xác định rõ vai trò của Nhà nước (Chính phủ), phân quyền (ủy quyền và tản quyền), phân cấp trung ương-địa phương, chuyển giao thực hiện một số loại việc, dịch vụ công cho khu vực ngoài nhà nước, cắt giảm chi tiêu ngân sách, tinh gọn bộ máy, tinh giản đội ngũ, và rà soát các hệ thống, chính sách, tổ chức và hoạt động của nền hành chính nhằm đảm bảo: các thay đổi phù hợp với thay đổi về thể chế, pháp luật, quy định của Nhà nước; bộ máy thông suốt, hoạt động hiệu quả, hiệu suất, đáp ứng các yêu cầu của công dân; các chính sách và hoạt động của Chính phủ nhất quán và đồng bộ; Chính phủ thích ứng với thay đổi, theo kịp xã hội; nâng cao trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của Chính phủ; thúc đẩy Chính phủ điện tử; phi quy chế hóa, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao thái độ, ý thức phục vụ, hành vi ứng xử của công chức, viên chức, tạo niềm tin của nhân dân đối với Chính phủ,… Tuy nhiên, các mục tiêu hay trọng điểm CCHC ngay trong một nước cũng thay đổi theo từng giai đoạn.

* Kinh nghiệm cải cách và đổi mới của Nhật Bản

Đối với Nhật Bản, họ quan tâm nghiên cứu các mô hình đổi mới, đúc rút kinh nghiệm cải cách nêu trên (chủ yếu từ các nước Phương Tây) và vận dụng phù hợp với truyền thống văn hóa của mình. Trong khoảng từ 30-40 năm trở lại đây,Nhật Bản có những nỗ lực cải cách không ngừng, theo hướng kiểm soát chặt chẽ việc tăng kích cỡ, quy mô tổ chức và lực lượng lao động trong các cơ quan nhà nước, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, cải cách công vụ, rà soát, sắp xếp nhân sự trong các bộ và cơ quan nhà nước, đơn giản hóa các quy trình thủ tục hành chính, sáp nhập các thành phố, thị trấn… Các nội dung CCHC đều được đưa vào kế hoạch năm, có xác định ưu tiên trong từng giai đoạn và đều có đánh giá, tổng kết. Cải cách công vụ được đẩy mạnh từ khoảng 2 năm gần đây, tập trung vào công tác thi tuyển để lựa chọn, bố trí đúng người, đúng việc (vì trong nền công vụ Nhật Bản, khi đã gia nhập công vụ, rất khó sa thải công chức vì lý do năng lực yếu). Trong quá trình cải cách, Nhật Bản rất chú trọng mối quan hệ giữa Chính phủ và Nhân dân. Người dân được coi là người chủ của Chính phủ (công dân); là đối tượng phục vụ của Chính phủ (khách hàng); là người cộng sự của Chính phủ (đồng nghiệp, đồng đội). Có thể kể ra các luật liên quan đến mối quan hệ này như: Luật Thủ tục hành chính, Luật Tiếp cận thông tin (Tự do thông tin), Luật Bảo vệ thông tin cá nhân, Luật về người tư vấn hành chính, Luật Khiếu nại hành chính, Luật Đạo đức đối với công chức Trung ương,… Trong quá trình xây dựng, ban hành, sửa đổi luật hay chế độ chính sách, phải xin ý kiến công chúng – không chỉ là công dân Nhật mà cả các doanh nghiệp nước ngoài có liên quan (Public Comments) qua các trang thông tin điện tử (Trước kia đưa lên Công báo, nhưng không hiệu quả).

Về cải cách tổ chức bộ máy, Bộ và các cơ quan Trung ương tập trung vào xây dựng chính sách. Chức năng thực hiện chính sách và cung ứng dịch vụ công được tách khỏi các Bộ. Cách đây khoảng 10 năm, những người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp còn là công chức. Hiện nay, các đơn vị đa phần tự chủ ngân sách, cơ chế thù lao linh hoạt (có thể trả theo tuần, tháng, năm). Các đơn vị có cơ chế độc lập, tự xây dựng chế độ tiền lương (thường phiên từ tiền lương công chức sang). Đối với đơn vị lớn, Bộ trưởng (Bộ chủ quản) bổ nhiệm người đứng đầu và chánh thanh tra. Địa phương có quyền tự quản cao, có thể ban hành các quy định pháp luật, quyết định về cơ cấu hành chính của mình. Hệ thống nhân sự ở địa phương tương đối độc lập với Trung ương. Họ tự tổ chức tuyển dụng công chức của địa phương mình. Nền công vụ Nhật Bản vẫn áp dụng chế độ tuyển dụng “suốt đời”, đề cao tính chuyên nghiệp, thâm niên công tác, tập trung sử dụng một cách tối ưu nguồn nhân lực có kinh nghiệm trong hệ thống công vụ của mình. Việc luân chuyển, điều động chủ yếu diễn ra trong một cơ quan, một Bộ, hiếm khi có sự bổ nhiệm công chức (đặc biệt là công chức lãnh đạo) từ nguồn bên ngoài (đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước). Tuy nhiên, từ năm 2012, Nhật Bản bắt đầu quan tâm xác định lộ trình thăng tiến của công chức dựa trên năng lực và kết quả công tác (không chỉ dựa trên bằng cấp chuyên môn, kết quả thi đầu vào công chức và thâm niên công tác như trước). Công tác phát triển đội ngũ công chức lãnh đạo trong Chính phủ Trung ương được đặc biệt chú trọng. Công chức được tuyển dụng qua kỳ thi đầu vào (cấp độ 1) được coi là “Giới Tinh hoa” (“Elite Corps”) và là nguồn lãnh đạo tương lai. Trong số đó, những ai được tuyển dụng từ lĩnh vực luật, hành chính công và kinh tế thường được quy hoạch cho các vị trí quản lý quan trọng trong các bộ, cơ quan Trung ương. Họ không được ưu tiên trong bố trí công tác; họ cũng phải quan sát, trải nghiệm công việc từ bậc thấp nhất trong tổ chức, nhưng được chú trọng đào tạo bồi dưỡng qua công việc; tuần tự 1-2 năm thay đổi vị trí một lần để tích lũy kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực chuyên môn, nhiều cương vị quản lý, nhiều đơn vị. Ứng viên lãnh đạo phải trải qua quá trình cạnh tranh khốc liệt, phải khẳng định được năng lực qua kết quả công tác tại từng vị trí. Chỉ dưới một nửa số công chức “ưu tú” này được bổ nhiệm chức vụ cao hơn trưởng phòng trong các vụ, cục, tổng cục.

Về lãnh đạo cải cách, các Thủ tướng giai đoạn này đều rất tâm huyết, tạo dấu ấn trong những quan điểm chỉ đạo cụ thể. Thủ tướng Nakasone quyết tâm tư nhân hóa các công ty quốc doanh lớn. Ông đã quyết định thay Chủ tịch Công ty đường sắt quốc gia bằng Cựu Thứ trưởng Giao thông khi vị này lưỡng lự với cải cách. Thủ tướng Hashimoto lập ra Hội đồng CCHC, đích thân làm Chủ nhiệm và tập trung chỉ đạo tái cơ cấu Chính phủ. Thủ tướng Koizumi chú trọng tư nhân hóa ngành bưu chính. Khi Thượng viện từ chối dự luật này, ông đã giải tán Hạ viện, tổ chức lấy ý kiến nhân dân và không cho phép những người không theo đường lối đảng mình tiếp tục tham gia ứng cử Hạ viện. Sau đó, Hạ viện mới đã thông qua dự luật này với trên 2/3 số phiếu thuận, có thể áp đảo các Nghị quyết của Thượng viện. Sau đó, Thượng viện đã thông qua. Công chức lãnh đạo của Nhật Bản thực sự là tấm gương để cấp dưới tin theo trong việc thực hiện nghiêm các chính sách, quy chế đã ban hành. Họ quan tâm chỉ đạo xây dựng hình ảnh đội ngũ công bộc tâm huyết phục vụ nhân dân. Họ vận dụng nhiều biện pháp của Tổ chức Minh bạch Quốc tế và các khuyến nghị của OECD (1998) để nâng cao các hành vi đạo đức trong hệ thống công vụ và phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Chẳng hạn như, công chức làm việc trong lĩnh vực mua sắm, đấu thầu, ký hợp đồng dịch vụ phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác. Công chức không được đi nhà hàng với đối tác, không được nhận quà đắt tiền. Công chức trung, cao cấp phải có Báo cáo thu nhập hàng năm, dưới sự kiểm tra giám sát của thủ trưởng cơ quan.

3. Một số bài học kinh nghiệm rút ra

Qua tìm hiểu kinh nghiệm cải cách của Nhật Bản và một số nước, có thể rút ra một số bài học như sau:

Thứ nhất, cần có sự phân tích và bàn thảo kỹ lưỡng về vấn đề đặt ra và thống nhất giải pháp phù hợp cho từng vấn đề. Nếu không đi đến sự đồng thuận nhất định, quá trình bàn thảo có thể quay lại vạch xuất phát bất kỳ lúc nào.

Thứ hai, cần duy trì sự ủng hộ liên tục của công chúng đối với cải cách. Bản thân sự ủng hộ của công chúng không thôi thì chưa đủ, nhưng nếu thiếu sự ủng hộ mạnh mẽ đó thì khó có thể thực hiện cải cách quyết liệt. Bởi vì sự quan tâm của mọi người thường hay thay đổi, nhà cải cách cần phải thường xuyên lôi cuốn sự chú ý và ủng hộ của họ.

Thứ ba, cần có ý chí và sự lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán của Thủ tướng (Nhật Bản). Tất nhiên, bản lĩnh chính trị đó phải dựa trên nền tảng ủng hộ vững chắc (của Đảng, Nhà nước và Nhân dân).

Thứ tư, cần có sự tận tâm cam kết tham gia của các bên có liên quan. Các bên có liên quan đến cải cách cần hiểu rõ tính cấp thiết và nội dung cải cách cho dù là họ chủ động tích cực hay được thuyết phục tham gia. Nếu không có sự cam kết tham gia của họ, quá trình cải cách có thể bị phá hỏng hoặc chệch hướng so với dự kiến ban đầu.

Thứ năm, các điều kiện cơ bản đảm bảo cho tính bền vững của cải cách gồm: có sự kế thừa, tiếp nối về quyết tâm chính trị giữa những lớp lãnh đạo để có sự chỉ đạo mạnh mẽ liên tục; duy trì sự ủng hộ liên tục của công chúng và khích lệ tinh thần cải cách trong đội ngũ công chức, viên chức (giảm thiểu sự phản kháng cải cách); khuyến khích sự tham gia liên tục của các bên liên quan (kể cả trong và ngoài Chính phủ).

Thứ sáu, cần lưu ý đến một số công việc quan trọng khi tiến hành cải cách như: xác định mục đích cải cách rõ ràng; tuyên truyền, tạo nhận thức đúng về cải cách; thể chế hóa các nội dung cơ bản của cải cách (đưa các nội dung chính sách lớn vào luật và nghiêm túc thực hiện); thành lập hoặc chỉ định cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện (thường trực CCHC); lập kế hoạch hành động theo lộ trình các bước và giám sát, quản lý các mốc tiến độ; có cơ chế, cách thức khuyến khích, khen thưởng, phê bình các bên tham gia thực hiện cải cách; và tạo ra được những kết quả tích cực, rõ nét, có ý nghĩa để công chúng tin tưởng, ủng hộ.

ThS. Phạm Đức Toàn -  Phó Chánh Văn phòng, Bộ Nội vụ

 Tài liệu tham khảo:

Chương trình bồi dưỡng ngắn hạn của Học viện Quốc gia về Chính sách công Nhật Bản (GRIPS), từ ngày 04-16/10/2015, do Giáo sư Masahiro Horrie chủ biên, dành cho đoàn cán bộ cấp thứ trưởng và quy hoạch thứ trưởng Việt Nam theo Đề án 165.