Trang chủ > Tin tức

Kết quả Chuyển đổi số quốc gia năm 2023

09:02 30-12-2023


Theo báo cáo chuyển đổi số quốc gia năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đã kết nối, đồng bộ dữ liệu với 96 bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương (33 bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 63 tỉnh, thành phố), trong đó có 70 bộ, ngành, địa phương đã đồng bộ dữ liệu (đạt 100%).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp thứ 7 của Ủy ban, tổng kết hoạt động năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, ngày 28/12/2023. Ảnh: VGP

Thể chế số 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian mới (không gian số), giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số thời gian vừa qua, giải quyết các “điểm nghẽn” nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam. 

Giai đoạn từ năm 2020 đến nay đã có: 02 Luật của Quốc hội, 14 Nghị định của Chính phủ, 02 Chỉ thị, 02 Công điện, 07 Nghị quyết, 25 Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ được ban hành phục vụ thúc đẩy chuyển đổi số. Đặc biệt, trong năm 2023, Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi). 

Hạ tầng số

Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 04 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số. Đến nay, Mạng đã kết nối đến 100% huyện, 100% xã trên toàn quốc.

Số bộ, ngành, địa phương đã triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây đạt 71,43%. Việt Nam có 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, 43 trung tâm dữ liệu trên toàn quốc, với tổng số 571 nghìn máy chủ, 54,7 triệu lõi vật lý.

Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 104,08 Mbps, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 41 và cao hơn trung bình thế giới là 87,79 Mbps. Việt Nam đứng thứ 4 sau Singapore, Thái Lan, Malaysia ở khu vực Đông Nam Á. 

Tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 44,92 Mbps, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 57 và thấp hơn trung bình thế giới là 48,47 Mbps, Việt Nam xếp vị trí thứ 4 tại khu vực, sau Singapore, Brunei và Malaysia. Tốc độ mạng của Việt Nam năm 2023 tăng từ 15-30% so với năm 2022, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các dịch vụ yêu cầu tốc độ cao, các nội dung truyền thông đa phương tiện.

Nhân lực số

Việt Nam có khoảng 1,5 triệu lao động đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số. Việt Nam hiện có khoảng 168 trường đại học và 520 trường nghề có đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Hàng năm, tổng số tốt nghiệp đạt trên 84 nghìn, với khoảng 50 nghìn đại học, khoảng 34 nghìn cao đẳng, trung cấp; tổng số chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 100 nghìn. 

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chủ trì tổ chức 60 khóa học về chuyển đổi số trên Nền tảng MOOCS cho 305 nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan nhà nước; 20 khóa phổ cập kỹ năng số cho người dân với 23 triệu lượt người truy cập học trên Nền tảng; 02 khóa tập huấn cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng. Hỗ trợ 11 bộ, ngành và 43 địa phương sử dụng miễn phí Nền tảng MOOCS. Các bộ, ngành, địa phương đã sử dụng nền tảng do Bộ TT&TT hỗ trợ để tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn cho hơn 140 nghìn cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Tính đến tháng 11/2023, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập 80,7 nghìn Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) và gần 379 nghìn thành viên tham gia Tổ CNSCĐ cấp xã, thôn, phố; 54/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã. Mỗi Tổ CNSCĐ có khoảng 04 đến 09 thành viên, trong đó Tổ trưởng các tổ dân phố, Công an khu vực, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên (các chi đoàn, đoàn cơ sở) và doanh nghiệp công nghệ số là lực lượng nòng cốt. Các thành viên của Tổ CNSCĐ có nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” biết, hiểu và thực hiện 05 nội dung kỹ năng số cơ bản: (1) Sử dụng DVCTT; (2) Mua sắm trực tuyến; (3) Thanh toán trực tuyến; (4) Tự bảo vệ mình trên không gian mạng; (5) Sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương.

Nền tảng số

Bộ TT&TT đã ban hành Chương trình phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số quốc gia gồm 38 nền tảng (08 cho Chính phủ số; 12 cho kinh tế số; 11 cho xã hội số và 07 nền tảng đa mục tiêu). Mỗi nền tảng số do một bộ, ngành chủ trì. Tới nay đã đánh giá, công bố 08 nền tảng số quốc gia với tổng lượng người dùng thường xuyên vào khoảng 150 triệu người dùng/tháng. 

Bộ TT&TT đã ban hành các hướng dẫn cụ thể để triển khai, nhấn mạnh vai trò tham gia của 04 bên. Trong đó, bộ, ngành có vai trò chủ trì phát triển hoặc đặt hàng triển khai các nền tảng số; doanh nghiệp chủ động phát triển nền tảng số hoặc phát triển theo đặt hàng của bộ, ngành chủ trì; địa phương đóng vai trò thúc đẩy sử dụng; Bộ TT&TT đồng hành cùng các bộ, ngành xây dựng tiêu chí, đánh giá và thúc đẩy sử dụng. 

Bộ TT&TT xác định 10 nhóm nền tảng số dùng chung để tập trung thúc đẩy 5 ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm gồm: (1) Công nghiệp chế biến, chế tạo; (2) Du lịch; (3) Nông nghiệp; (4) Logistics và (5) Dệt may. 

An toàn, an ninh mạng

Theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, tính đến tháng 11/2023, tổng số hệ thống thông tin (HTTT) của cả nước là gần 3,2 nghìn hệ thống, trong đó số HTTT được phê duyệt cấp độ là hơn 2 nghìn hệ thống, đạt tỷ lệ 65%, tăng 10,2% so với năm 2022. Số lượng lớn trong đó chưa được triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ đã phê duyệt.

Tính đến hết tháng 11/2023, tổng các trang, cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước được đánh giá an toàn thông tin và gán nhãn tín nhiệm mạng là khoảng 3,8 nghìn website (trong đó: hơn 500 website thuộc các bộ, ngành và hơn 3,2 nghìn thuộc 59 tỉnh/thành phố) đã được kiểm duyệt và đạt chứng nhận. Tỷ lệ cơ quan nhà nước được gán nhãn là 86% (bộ, ngành đạt 70% (21/30), tỉnh/thành phố đạt 93,7% (59/63)).

Năm 2023, Bộ TT&TT đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý hơn 12,8 nghìn cuộc tấn công, trong đó, có 11,5 nghìn cuộc Phishing (giả mạo), khoảng 500 cuộc Deface (thay đổi giao diện), hơn 800 cuộc Malware (mã độc), tăng 5,3% so với năm 2022; hơn 3,3 nghìn website vi phạm, lừa đảo đã bị ngăn chặn, qua đó giúp bảo vệ 3,6 triệu người dân trên môi trường trực tuyến. Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet (mạng máy tính ma) là 456,7 nghìn địa chỉ, giảm 4,7% so với cùng năm 2022 (479,1 nghìn địa chỉ). 

Chính phủ số

Về tình hình triển khai các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia:

CSDL quốc gia về dân cư: Lưu thông tin của khoảng 99 triệu nhân khẩu, đạt trên 99% dân số Việt Nam; kết nối với 15 bộ, ngành; 63/63 địa phương; 04 doanh nghiệp. Bộ Công an cũng đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ rà soát, cập nhật trên 92 nghìn trường hợp thôi quốc tịch, gần 5 triệu trường hợp thay đổi thông tin trong hộ tịch để phục vụ việc làm sạch dữ liệu.

CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: Kết nối với 13 bộ, ngành và 63/63 địa phương với khoảng 41 triệu giao dịch; lưu trữ dữ liệu của hơn 1,6 triệu doanh nghiệp (khoảng 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động) và hơn 200 nghìn đơn vị trực thuộc doanh nghiệp; lưu trữ thông tin đăng ký của khoảng 2,4 triệu hộ kinh doanh, trong đó: hơn 260 nghìn hộ kinh doanh được chuẩn hóa dữ liệu, lưu trữ khoảng 30 nghìn hợp tác xã và đơn vị trực thuộc. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đạt 92,58%. 

CSDL quốc gia về bảo hiểm: Kết nối, chia sẻ dữ liệu với 09 bộ, ngành và một số kết nối, chia sẻ dữ liệu có phạm vi quốc gia; quản lý khoảng 32 triệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm; khoảng 17,1 triệu người tham gia BHXH; khoảng 88,9 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT); đã xác thực hơn 93,7 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư, trong đó: khoảng 84,7 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), chiếm 96% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội). Đồng thời, hệ thống BHXH Việt Nam đã đồng bộ hơn 132 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT với CSDL quốc gia về dân cư. 

CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc: Hoàn thành triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 50 nghìn người dùng, cụ thể: khoảng 18 nghìn tài khoản của công chức tư pháp - hộ tịch, khoảng 32 nghìn tài khoản của lãnh đạo và văn thư UBND cấp xã. Tính đến tháng 11/2023, hệ thống đã có khoảng 48 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó: khoảng 9,6 triệu trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định (khoảng 5,3 triệu trường hợp đăng ký khai sinh được chuyển sang các cơ quan bảo hiểm xã hội để cấp thẻ bảo hiểm y tế), khoảng 12,3 triệu dữ liệu kết hôn, khoảng 10,5 triệu dữ liệu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, khoảng 8,2 triệu dữ liệu khai tử, khoảng 293 nghìn trường hợp nhận cha mẹ con, khoảng 20,5 nghìn trường hợp đăng ký giám hộ, khoảng 16,6 nghìn trường hợp đăng ký nhận nuôi con nuôi, khoảng 889,4 nghìn dữ liệu cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.

CSDL đất đai quốc gia: 

- Tại Trung ương đã xây dựng, đưa vào quản lý, vận hành và khai thác sử dụng 04 khối dữ liệu đất đai do Trung ương quản lý gồm: (1) CSDL về thống kê, kiểm kê đất đai; (2) CSDL về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (3) CSDL về giá đất; (4) CSDL về điều tra, đánh giá đất đai. 

- Tại địa phương: 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang xây dựng, hoàn thiện CSDL đất đai. 

CSDL quốc gia về tài chính: Bộ Tài chính đã xây dựng, hoàn thiện 13 CSDL chuyên ngành phục vụ Đề án xây dựng CSDL quốc gia về tài chính.

CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức: Kết nối, đồng bộ dữ liệu với 96 bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương (33 bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 63 tỉnh, thành phố), trong đó: 70 bộ, ngành, địa phương đã đồng bộ dữ liệu (đạt 100%) (gồm 13 bộ, ngành và 57 địa phương), các đơn vị còn lại đang tiếp tục đồng bộ dữ liệu về bảo đảm đủ số liệu của giai đoạn 1. Tổng số dữ liệu được đồng bộ tự động về CSDL quốc gia đến thời điểm này là gần 2,3 triệu hồ sơ, trong đó: bộ, ngành là gần 218 nghìn hồ sơ (đạt 80,3%), địa phương là hơn 2 triệu hồ sơ (đạt 99%). 

Dịch vụ công trực tuyến toàn trình

Năm 2023, 100% bộ, ngành, địa phương đã rà soát và ban hành danh mục thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện trong phạm vi bộ, ngành, địa phương để triển khai DVCTT theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương triển khai 81% TTHC là DVCTT, trong đó 48,5% TTHC được triển khai là DVCTT toàn trình. Tính đến tháng 12/2023, có 49/63 tỉnh đã ban hành chính sách giảm phí, lệ phí và 13/63 tỉnh đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT.

Về hiệu quả sử dụng, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC đạt 38,5%. Qua thống kê, đo lường trên Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC), trung bình hàng ngày có khoảng 76 nghìn hồ sơ DVCTT. 

Đến nay, Cổng DVCQG đã kết nối, tích hợp với 150 HTTT, CSDL của các cơ quan, đơn vị. Ảnh: mic.gov.vn

Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG)

Tính đến hết tháng 11/2023, có hơn 6,8 triệu tài khoản đăng ký, hơn 119 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, hơn 29 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng, hơn 20,3 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 7,1 nghìn tỷ đồng. Đến nay, Cổng đã kết nối, tích hợp với 150 HTTT, CSDL của các cơ quan, đơn vị; công khai hơn 6,3 nghìn TTHC, trong đó đã tích hợp, cung cấp gần 4,6 nghìn DVCTT; có hơn 11,2 triệu tài khoản (tăng hơn 2,7 lần so với cùng kỳ); hơn 269,1 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 1,7 lần so với cùng kỳ); hơn 35,4 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 21,2 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 9,5 nghìn tỷ đồng (tăng gần 2,6 lần so với cùng kỳ).

Bộ Chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công tiếp tục được triển khai hiệu quả. Việc cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử ở bộ, ngành đạt 22,8% (tăng 11% so với năm 2022), ở địa phương đạt gần 43% (tăng 31,4% so với năm 2022); tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại bộ, ngành đạt 28,9%, tại địa phương đạt 37,3%, tuy nhiên tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa vẫn còn thấp (9%). Văn phòng Chính phủ đã thực hiện công khai các kết quả đánh giá của bộ, ngành, địa phương trên Cổng DVCQG để người dân, doanh nghiệp theo dõi, giám sát, đánh giá.

Đối với 53 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06 và Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022, Văn phòng Chính phủ thường xuyên đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tái cấu trúc quy trình, cung cấp DVCTT trên Cổng DVCQG;... 

Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 

Văn phòng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh kết nối, tích hợp dữ liệu từ các bộ, ngành, địa phương về Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; triển khai thử nghiệm kết nối, chia sẻ dữ liệu với một số địa phương về một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội; tiếp tục xây dựng, phát triển hệ thống thông tin và cập nhật vào kho dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Đến nay, đã kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin, CSDL quốc gia, chuyên ngành của 16 bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 63 địa phương với trên 40 chỉ tiêu thông tin trực tuyến, trên 300 chỉ tiêu dữ liệu; hình thành 04 nhóm chỉ số; cập nhật trên 01 nghìn tệp dữ liệu và trên 18 nghìn bài phát biểu vào các chuyên mục Kho dữ liệu tổng hợp, Kho dữ liệu nội dung, đồng thời triển khai giải pháp lưu trữ, xử lý, phân tích dữ liệu theo mô hình Kho dữ liệu (DataWarehouse); đã xây dựng các ấn phẩm Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ (Infographic). 

Đối với chức năng tương tác, điều hành trực tuyến: Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được sử dụng, vận hành và phát huy hiệu quả, kết nối với các điểm cầu trực tuyến tại bộ, ngành, địa phương; trung tâm chỉ huy, trung tâm phục vụ hành chính công, cửa khẩu biên giới, hồ đập thủy điện; xây dựng các kịch bản và phục vụ lãnh đạo Chính phủ họp, chỉ đạo, điều hành trực tuyến tới thực địa để ứng phó các sự cố, tình huống khẩn cấp, phòng chống thiên tai.

Trục liên thông văn bản quốc gia: Tính đến tháng 11/2023, đã có trên 8,2 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục trong năm 2023 (tăng 1,2 lần so với cùng kỳ); lũy kế đến tháng 11/2023 có hơn 28,2 triệu văn bản gửi, nhận trên Trục, trung bình mỗi tháng có khoảng 700 nghìn văn bản gửi, nhận. 98% các cơ quan đã gửi, nhận văn bản điện tử và 80% lãnh đạo các cấp đã sử dụng chữ ký số cá nhân.

Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet): Năm 2023 (tính đến tháng 11), đã phục vụ 21 hội nghị, phiên họp Chính phủ và xử lý 486 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Tổng số đã phục vụ 86 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và xử lý gần 2 nghìn phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 654 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy).

Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (EMC):  Đến tháng 12/2023, Hệ thống EMC kết nối, thu thập dữ liệu của hơn 01 nghìn Cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước và 83 HTTT giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ giám sát, đánh giá hiệu quả, mức độ cung cấp và sử dụng DVCTT, dựa trên dữ liệu sinh ra từ máy, tự động, tức thời, không biết nói dối. Hàng ngày, Hệ thống EMC thu nhận hơn 6 triệu tương tác của tổ chức, cá nhân trên các Cổng/trang Thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công của cơ quan nhà nước.

Bộ TT&TT đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp và nhiều bộ, ngành, địa phương xây dựng, thử nghiệm mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt và Trợ lý ảo Việt Nam. Trong đó, tập trung vào xây dựng 03 trợ lý ảo: (1) Trợ lý ảo hỗ trợ rà soát văn bản quy phạm pháp luật cho ngành Lập pháp và Tư pháp; (2) Trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức; (3) Trợ lý ảo hỗ trợ người dân về các vấn đề pháp lý. 

Kinh tế số

Kinh tế số của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh với tốc độ vào khoảng 20%, nhanh gấp 03 lần tăng GDP. 
Đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx) thông qua các nền tảng số xuất sắc. Tính đến tháng 12/2023, số lượt doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình SMEdx: khoảng 1,1 triệu (+55,6% so với năm 2022); số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số SMEdx: 197 nghìn (+157% so với năm 2022).

Tính đến tháng 12/2023, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 5,5 tỷ hóa đơn trong đó có hơn 1,6 tỷ hóa đơn có mã, gần 4 tỷ hóa đơn không mã. Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh giải pháp triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống, chống thất thu thuế, thất thu ngân sách. Đến tháng 12/2023, đã có hơn 36,4 nghìn doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công, với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là khoảng 58 triệu hóa đơn.

Xã hội số

Việt Nam có khoảng 78 triệu người dùng Internet, trong đó có 161,6 triệu thuê bao di động, tương đương mỗi người có khoảng 1,5 chiếc điện thoại. Thời gian sử dụng Internet trung bình là 06 giờ 23 phút/ngày, giảm 4% so với năm 2022. Thời gian xem TV và các nội dung video streaming giảm 4,8% còn 2 giờ 39 phút/ngày. Thời gian dành cho các mạng xã hội là 2 giờ 32 phút/ngày.

Về phát triển công dân số, đến tháng 12/2023, Bộ Công an đã cấp trên 84,7 triệu Thẻ căn cước công dân gắn chip. Đã kích hoạt 45,4 triệu tài khoản định danh (đạt 67,5% so với tổng hồ sơ tiếp nhận). Có 34 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và có tỷ lệ kích hoạt định danh điện tử cao nhất cả nước. Ứng dụng VNeID đã được tích hợp thêm các tiện ích: sổ sức khỏe điện tử; giấy phép lái xe; ví điện tử; kê khai, đăng ký, nộp thuế; thông tin sổ BHXH và nhiều tiện ích khác. 

Đến cuối năm 2023, đã có trên 77,4% người trưởng thành Việt Nam có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm 2022. Các giao dịch thanh toán được thực hiện trên môi trường mạng đã tăng 66,5% về số lượng, tăng khoảng 4% về giá trị; giao dịch qua điện thoại di động tăng khoảng 63% về lượng và 8,8% về giá trị, giao dịch qua mã QR tăng 124,1% về số lượng và 16,1% về giá trị. Mặc dù mới chính thức triển khai từ cuối tháng 3/2021, tính đến tháng 6/2023, đã có gần 27 triệu tài khoản điện tử được mở thông qua hình thức eKYC..../.

Mạnh Tuyền - Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ


Tin liên quan




Tin phổ biến
Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ kiểm tra tại tỉnh Thái Nguyên

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ kiểm tra tại tỉnh Thái Nguyên

Chiều ngày 15/8, Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ do đồng chí Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo làm Trưởng Đoàn đã kiểm tra tình hình, kết quả triển khai công tác CCHC 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Thái Nguyên.

09:02 30-12-2023


Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Sáng 23/10, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp.

09:02 30-12-2023


Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sau 7 ngày (2-8/10) làm việc khẩn trương, nghiêm túc và đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và bế mạc sáng 8/10. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bế mạc Hội nghị:

09:02 30-12-2023